Lý Bí sinh ngày 12-9 năm Quý Mùi (17-10-503). Từ nhỏ, Lý Bí đã tỏ ra là một cậu bé thông minh, sớm hiểu biết. Lý Bí có tài, được Thứ sử Tiêu Tư nhà Lương mời ra làm chức Giám quân ở Đức châu (huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh ngày nay). Thứ sử Giao Châu là Vũ Lâm hầu Tiêu Tư hà khắc tàn bạo nên mất lòng người. Do bất bình với các quan lại đô hộ tàn ác, Lý Bí bỏ quan, về quê, chiêu binh mãi mã chống lại chính quyền đô hộ.

(VNTB) – Rất bất ngờ khi nhận tấm thiệp mời có nội dung “Đại lễ đăng quang Hoàng đế Đào Minh Quân” tổ chức ngày 16-2-2024 tại Tụ Nghĩa Đường, California.

Bất ngờ ở đây chỗ tiếng là “Việt Nam Cộng Hòa” lại có chức danh “Hoàng đế” của thể chế “quân chủ chuyên chế”. Do vậy nên nói đó là một nồi lẩu chính trị mang tên “Hoàng đế Đào Minh Quân” là tương đối chính xác đối với nhân vật này.

“His Holiness Kim Thuong Dao Minh Quan” là từ tiếng Anh mà ông Đào Minh Quân dùng nói về danh xưng đầy màu sắc vương triều phong kiến “Đức Kim Thượng”. Trong thông cáo báo chí phát hành về sự kiện “đăng quang Hoàng đế Đào Minh Quân”, lại viết rằng đây là “Đệ tam Việt Nam Cộng Hòa”.

Một chút bàn luận xin được thông qua trang Việt Nam Thời Báo gửi đến “nội các Đào Minh Quân”.

Trước hết, từ “chính thể” là khái niệm để chỉ về mặt hình thức của một nhà nước. Tiêu chí để xác định chính thể là nhìn bề ngoài cách tổ chức của nhà nước, hễ nước nào có “vua” lập nên theo nguyên tắc thế tập, “cha truyền con nối” thì gọi là chính thể “quân chủ”. Còn ở nước nào không có “vua” thì gọi là chính thể “cộng hòa”. Nước quân chủ là nước có vua; nước cộng hòa là nước không có vua.

Ngày nay hầu hết các quốc gia theo chính thể quân chủ đều có bản Hiến pháp quy định rõ những nguyên tắc để xác định quyền và nghĩa vụ của vua, hoàng tộc, chính phủ, các tổ chức đại diện dân trong nước, quyền và nghĩa vụ của công dân, nên gọi đó là chính thể “quân chủ lập hiến”; chứ không phải như thời xưa vua nắm tất cả quyền lực nhà nước trong tay mình (gồm cả lập pháp, hành pháp, tư pháp) nên gọi là “quân chủ chuyên chế” (hay quân chủ tuyệt đối).

Nếu việc tổ chức cai trị trên cơ sở tôn trọng, đề cao ý chí, nguyện vọng, quyền lợi của nhân dân (thường nói “của dân, do dân, vì dân”) thì gọi là “dân chủ”. Còn tổ chức và hoạt động nhà nước tuân theo ý chí của một người hoặc một nhóm người thì gọi là “độc tài”.

Nhân dân sống dưới chế độ độc tài thì hầu như không có cơ hội bình đẳng tham gia vào việc điều hành và quản lý đất nước. Trên giấy thì thấy công dân có đủ thứ quyền mà thực tế dân chẳng có quyền gì cả!

Nguyên thủ quốc gia có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, không chỉ là biểu tượng cho sức mạnh, sự phát triển, giá trị truyền thống văn hóa, lịch sử của một quốc gia, mà còn thể hiện vị thế của quốc gia trong quan hệ quốc tế. Chính vì vậy, nguyên thủ quốc gia là một chế định không thể thiếu trong tổ chức bộ máy và thực thi quyền lực nhà nước.

Như vậy với danh xưng “Hoàng đế” nhưng thể chế lại ghi là “Cộng hòa” cho thấy trên cương vị chính khách của một tổ chức màu sắc tranh giành quyền lực quản trị quốc gia, cá nhân ông Đào Minh Quân đã muốn tạo ra cho mình một thứ “tôn giáo chính trị” pha tạp được nhân danh là “chống cộng sản”.

Một chút trở ngược lịch sử: Sự hình thành của chế độ Việt Nam Cộng Hòa ở miền Nam Việt Nam được thành lập với cơ sở pháp lý là các hiệp ước ký kết giữa Chính phủ Pháp và Cựu hoàng Bảo Đại: Hiệp ước Vịnh Hạ long ngày 07-12-1947; Hiệp ước Élysée ngày 08-03-1949 xác nhận “nền độc lập của nước Việt Nam”, chính thức thành lập Quốc gia Việt Nam trong Liên hiệp Pháp, đứng đầu là Quốc trưởng Bảo Đại.

Tính đến năm 1950, có 35 quốc gia công nhận quốc gia Việt Nam theo nội dung trên. Và cuối cùng là Thoả ước Matignon (Accords de Matignon) ký kết ngày 04-06-1954 giữa Thủ tướng Quốc gia Việt Nam Nguyễn Phúc Bửu Lộc và Thủ tướng Pháp Joseph Laniel, xác định quốc gia Việt Nam độc lập, toàn vẹn lãnh thổ và tách khỏi Liên hiệp Pháp. Chính phủ Pháp chuyển giao mọi cơ sở hành chánh, quốc phòng, an ninh cho quốc gia Việt Nam.

Sau cuộc Trưng Cầu Dân Ý ngày 23 tháng 10 năm 1955, Thủ tướng Ngô Đình Diệm thay thế Quốc trưởng Bảo Đại để lên nắm quyền, trở thành Quốc trưởng Việt Nam. Sau đó, tổ chức bầu cử Quốc hội lập hiến vào ngày 4 tháng 03 năm 1956, khai mạc vào ngày 17 tháng tư năm 1956 với 123 dân biểu (trong số 405 ứng cử viên). Chủ tịch Quốc hội là ông Nguyễn Phương Thiệp.

Quốc hội lập hiến có nhiệm vụ soạn thảo Hiến pháp. Hiến pháp được ban hành ngày 26 tháng mười năm 1956. Nước Việt Nam Cộng hòa ra đời từ đây, trên cơ sở thừa kế quốc gia Việt Nam, thủ đô là thành phố Sài Gòn.

Ngày ban hành Hiến pháp trở thành ngày quốc khánh của nước Việt Nam Cộng hòa (Đệ nhất Việt Nam Cộng Hòa). Danh xưng Đệ nhất Cộng hoà chỉ xuất hiện vào năm 1967 khi nền Cộng hoà thứ hai được thành lập…

Ghi nhận về thiện chí hoạt động của những tổ chức ở hải ngoại trong khía cạnh vận động xuyên quốc gia và hoạt động chính trị hướng về quê hương (homeland politics), song cần có sự hợp lý và cả hợp tình, đừng xem thường trình độ dân trí của người miền Nam từng sống ở chế độ Việt Nam Cộng hòa, tránh tạo ra những ngộ nhận quyền lực đến mức đầy khó hiểu như nhóm của ông Đào Minh Quân.